Sâm Ngọc Linh Trà My | Quảng Nam

Sâm Ngọc Linh Trà My | Quảng Nam

2023-04-21 16:55:03 343

SÂM NGỌC LINH TRÀ MY (Quangnam)

Sâm Ngọc Linh là một loại sâm quý hiếm và là quốc bảo của nước Việt Nam, được xếp loại sâm có hàm lượng saponin cao nhứt trong tất cả các loài sâm. Đây là một loài đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 3 năm 1973 tại vùng núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum[1][2]. Sâm Việt Nam (Ngọc Linh sâm) là một loại thảo dược quý hiếm, có nhiều tác dụng như kích thích thần kinh, giúp tăng hoạt động vận động và trí nhớ ở liều thấp nhưng với liều cao lại gây ức chế thần kinh, ngoài ra sâm còn có nhiều lợi ích khác với sức khỏe chúng ta, có thể kể đến như: kiềm hãm ung thư, chống mệt mỏi, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa…

Saponin là thành phần chính có hoạt tính sinh học trong sâm Việt Nam cũng như các cây thuộc chi Panax. Trong các nghiên cứu so sánh thành phần hóa học của sâm Việt Nam, hàm lượng saponin có trong phần thân rễ/củ vượt trội hơn so với các loài sâm khác. Đặc biệt, loại sâm này có cha một lượng lớn các saponin dammaran dạng ocotillol, đây chính là yếu tố quyết định sự khác biệt giữa sâm Việt Nam so với sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc,… Hoạt chất Majonosid-R2 chỉ có trong sâm Ngọc Linh. MR2 là một trong những dược chất quý hiếm và quan trọng trong Ngọc Linh sâm.

MR2 có tên gọi đầy đủ là Majonosid-R2. Hoạt chất này chỉ Ngọc Linh sâm của Việt Nam mới có. Điều này đã tạo nên sự khác biệt, khiến cho giá trị sâm Ngọc Linh (Việt Nam) tăng cao hơn hẳn so với các loài sâm khác như sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc, sâm Hoa Kỳ... Nhiều nghiên cứu của Đại học Y dược Kyoto, Nhật Bản đã chỉ ra rằng Majonosid-R2 (MR2) có tác dụng chống khối u ung thư. Ngoài ra, Majonosid-R2 (MR2) cũng đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là nó có khả năng chống trầm cảm, stress. Thử nghiệm trên con chuột bị stress tâm lý và thâu được kết quả: hoạt chất Majonosid-R2 (MR2) Ocotillol giúp làm giảm đáng kể các rối loạn liên quan đến việc căng thẳng, mất ngủ. Thử nghiệm còn ghi nhận thêm MR2 còn là hoạt chất quý khi nó có khả năng chống oxi hóa, chống khối u và bảo vệ gan.

Vì vậy, trong thành phần Saponin – một thành phần chính của nhân sâm rất có lợi cho sức khỏe con người, Majonosid-R2 (MR2) là Saponin chính thuộc nhóm Ocotillol. Đây là hoạt chất quý hiếm. Nó chiếm đến hơn 50% hàm lượng dược chất Saponin toàn phần từ phần dưới mặt đất của Ngọc Linh sâm (Việt Nam) và trở thành hoạt chất chủ đạo của sâm Ngọc Linh (Việt Nam) so với thành phần Saponin trong các loài sâm khác trên thế giới.

[1] Bộ Y tế (2006), Dược liệu học Tập 1, NXB Y Học, tr 251-256.

[2] Nguyễn Thượng Đông và cs. (2007), Sâm Việt Nam và một số cây thuộc họ nhân sâm, NXB Khoa học và kỹ thuật, tr141

TỔNG QUAN VỀ SÂM NGỌC LINH

1. PHÂN LOÀI CỦA CHI SÂM (PANAX L.), HỌ ARALIACEAE

Chi sâm Panax L. là một chi nhỏ trong họ Ngũ gia bì (Araliaceae) được phát hiện trên thế giới. Trong đó, phần lớn phân bố ở Châu Á, từ Đông – Bắc Á đến cận Himalaya và chỉ có 3 loài ở vùng Bắc Mỹ. Đặc biệt, tất cả những loài thuộc chi Panax đều có giá trị làm thuốc, một số loài của chi này đã trở thành những cây thuốc nổi tiếng, không chỉ trong phạm vi y học cổ truyền Đông phương mà trên toàn thế giới như nhân sâm (Panax ginseng C. A. Mey); sâm Mỹ (Panax quinquefolius L.) và tam thất (Panax notoginseng Chen)[1].

Bảng 1: Danh sách các loài và thứ thuộc chi Panax L. ở Việt Nam[2]

STT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Cây bản địa

1

Sâm Ngọc Linh

Panax vietnamensis Ha&Grushv

2

Sâm Lai Châu

Panax vietnamensis var fuscidiscus K. Komatsu, S. Zhu & S.Q.Cai

3

Sâm Langbian

P.vietnamensis Ha & Grushv.var. langbianensis N.V.Duy.V.T. Tran & L.N.Trieu

4

Tam thất hoang

Panax stipuleanatus H. Tsai et M.Feng

Cây di thực/ nhập trồng

5

Tam thất

Panax notoginseng (Burkill) F.H.CHEN

6

Nhân sâm (Triều Tiên)

Panax ginseng C.A. Meyer

(Nguồn: Tài liệu nhận dạng các loài thuộc chi Panax L. ở Việt Nam, Viện dược liệu (Bộ Y Tế))

Về phân loại, chi Panax L. có thể kể đến là: nhân sâm (sâm Triều Tiên) (Panax ginseng C. A. Mey); giả nhân sâm (Panax pseudoginseng Wall.); tam thất (Panax notoginseng Chen); sâm Mỹ (Panax quinquefolius L.); sâm Nhựt (Panax japonicus C. A. Mey); sâm lá hẹp (Panax wangianus S. C. Sun); sâm vũ điệp (Panax bipinnatifidus Seem); sâm vũ điệp lá hẹp (Panax bipinnatifidus var. angustifolius (Burk) Wen); tam thất hoang (Panax stipuleanatus Tsai et Feng); sâm gừng (Panax zingiberensis Wu et Feng); sâm ba lá (Panax trifoliatus L.), sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) (Theo Nguyễn Thượng Dong và cs., 2007[3]).

Bảng 2: Danh sách 14 loài thuộc chi Panax trên thế giới[4]

STT

Tên gọi

Thông tin

1

Panax ginseng C.A. Mey. (Nhân sâm) = Panax schingseng Nees

Loại hoang dại, hiện nay rất hiếm, được trồng ở Đông Bắc, châu Á

2

Panax quinquefolium (Sâm Mỹ)

Mọc hoang và được trồng ở vùng Bắc Mỹ

3

Panax trifoliatus L. (Dwarf ginseng) – Sâm lùn

Có ở Bắc Mỹ

4

Panax notoginseng F.H Chen ex C.Y.Wu et K.M Feng

Phân bố của loài này hoang dại chưa rõ, đã được trồng ở Vân Nam, Trung Quốc

5

Panax pseudo-ginseng Wall. Subsp. Pseudo-ginseng Hara

Mọc hoang dại, rất hiếm, được tìm thấy ở phía đông dãy Himalaya

6

Panax japonicus C.A Mey. (Panax pseudo-ginseng Wall. Subsp. Japonicus (Meyer) Hara

Mọc hoang dại ở Nhựt Bản và ở miền Nam Trung Quốc

7

Panax japonicus C.A. Mey. Var. major (Burk) C.Y Wu et K.M Feng (Panax pseudo-ginseng Wall var. major (Burk) Li

Mọc hoang dại ở miền Nam Trung Quốc

8

Panax japonicus C.A. Mey. Var. angustifolius (Burk) Chen et Chu

Mọc hoang ở miền Nam Trung Quốc

9

Panax japonicus C.A. Mey. Var. bipinnatifudus (Seem) C.Y.Wu et K.M.Feng

Mọc hoang ở miền Nam Trung Quốc

10

Panax zingiberensis  C.Y.Wu et K.M.Feng

Mọc hoang ở miền Nam Trung Quốc

11

Panax stipuleanatus H.Tsai et K.M. Feng

Mọc hoang ở miền Nam Trung Quốc từ Vân Nam đến Tây Tạng và miền Bắc Việt Nam

12

Panax pseudo-ginseng Wall, subsp.himalaycus Hara

Mọc hoang ở phía dưới Đông dãy Himalaya

13

Panax sp

Gồm mẫu C (thu hái ở Chame, Nepal) và mẫu G (thu hái ở Ghorapani, Nepal), mọc hoang ở miền Trung Nepal

14

Panax vietnamensis Ha et Grushv.,

Mọc hoang và được trồng ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam

(Nguồn: Sâm Việt Nam và một số cây thuộc họ nhân sâm, NXB Khoa học và kỹ thuật)

 

2. TỔNG QUAN SÂM NGỌC LINH

Thông tin sơ lược về Ngọc Linh sâm:

  • Tên khác: Sâm Việt Nam, Sâm khu năm, Sâm K5, Thuốc dấu, Củ ngải rọm con, Rơm con (Xê Đăng)
  • Tên khoa học: Panax vietnamensis Ha et Grushv (Do Hà Thị Dụng và I.V. Grushvitsky đã xác định và chính thức công bố tên hoa học nêu trên)
  • Tên đồng danh: Panax schinseng var. japonicum auct.non Makino; Panax japonicum auct.non (Nees) C.A. Mey. (1843).
  • Sâm Ngọc Linh thuộc:

Giới thực vật (Plantae)

->  Ngành: Mộc lan (Magnoliophyta)

->  Lớp: Mộc lan (Magnoliopsida)

->  Bộ: Hoa tán (Apiales)

->  Họ thực vật: Ngũ gia bì (Araliaceae)

->  Chi: Sâm (Panax)

->  Loài: Panax vietnamensis Ha et Grushv

2.1. Hình thái thực vật của sâm Ngọc Linh:

Sâm  Ngọc  Linh  là  một  trong 3  loài  sâm  mọc tự nhiên  ở Việt  Nam (Sâm Vũ Điệp, Tam thất hoang, Sâm Ngọc Linh),  có  tên khoa học  là Panax vietnamensis Ha et. Grutzv, được biết đến trên thế giới với tên gọi Vietnamese ginseng. Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu hẹp của miền Trung Việt Nam, phân bố tự nhiên ở 2 tỉnh Quảng Nam  và  Kon Tum. Tại 2 tỉnh này, Sâm Ngọc Linh chỉ mọc  trên  đỉnh  núi  cao  của  các  huyện Đăkglei và Tumơrông (Kon Tum), huyện Nam Trà  My, Phước Sơn (chưa kiểm chứng) (Quảng Nam). Sâm Ngọc Linh với ginsenoside, dược chất chính trong sâm, được đánh giá là loài phổ biến nhứt của chi Panax trên thế giới.[5]

Ngoài ra, theo nghiên cứu về Nhận dạng các loài thuộc chi Panax L. ở Việt Nam của PGS.TS Phạm Thanh Huyền & cộng sự thì cho rằng: Sâm Ngọc Linh có hình thái thuộc dạng cây thảo, sống nhiều năm, cao khoảng từ 0,5 – 0,8m. Thân rễ dày, mập, thường nằm ngang gồm nhiều đốt ngắn, mỗi đốt có 1 vết sẹo lõm do thân khí sinh lụi hằng năm để lại, đôi khi ở một số cây phần cuối thân rễ có một củ dạng con quay gần hình cầu đường kính có thể lến đến 5cm; rễ nhỏ mọc xung quanh thân rễ. Thân trên mặt đất thường 1 hoặc có thể 2-4 thân ở những cây sống lâu năm, thân hướng thẳng đứng, không phân nhánh, nhẵn, gốc có vảy mỏng, lõi thân xốp. Lá mọc vòng ở đỉnh thân, thường là 3-5 lá; gốc cuống lá không có lá kèm; lá kép chân vịt có 5 (ít khi 3 hoặc 6- 7) lá chét, hai lá chét ngoài cùng thường có kích thước nhỏ hơn; lá chét nguyên, mép lá có răng cưa; phiến lá hình trứng, trứng ngược, elip hoặc thuôn, mỏng, hai mặt màu xanh, mũi lá có đuôi nhọn, gốc lá hình nêm, hẹp dài hoặc lệch, gân lá có lông cứng hai mặt. Cụm hoa thường mang một tán đơn độc ở đỉnh hoặc đôi khi có tán phụ; cuống hoa dài hơn cuống lá; cụm hoa gồm từ 80-140 hoa; lá bắc nhỏ hình dùi, dài 2-3mm; cuống hoa nhỏ được bao phủ bởi nhiều mấu nhỏ dạng gai thịt dài 0,04-0,08mm. Hoa lưỡng tính, tỏa tròn, đường kính 2,0-3,5mm, đài có 5 răng nhỏ dạng tam giác, nhẵn; cánh hoa 5, màu xanh hoặc xanh mép hơi trắng, nhẵn; nhị 5, chỉ nhị mảnh, dài bằng hoặc dài vượt quá cánh hoa, bao phấn 2 ô, đính lưng; đĩa hoa phẳng hoặc hơi lồi, có vòng tím đến tím hoàn toàn hoặc màu xanh hơi ngà vàng; bầu thường tiêu giảm còn 1 ô, đôi khi là 2 ô, mỗi ô 1 noãn, vòi nhụy hợp hoặc xẻ 2 tùy theo số ô của bầu. Quả hạch hình thận hoặc gần cầu, dẹp; khi chín màu đỏ, thường có đốm đen ở đỉnh quả, đốm đen có diện tích nhỏ. Hạt dẹt, số hạt bằng số ô của bầu; vỏ hạt thô cứng nhiều vệt xốm lồi lõm, nội nhũ trơn. Mùa ra hoa từ tháng 4-6, mua quả tháng 7-9.

 

 

Hình 1: Hình ảnh cây sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grushv)

Hình 2: Ảnh nhận dạng loài Sâm Ngọc Linh

Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) công bố: trong thân và rễ của Sâm Ngọc Linh có 52 thành phần saponin - thành phần quyết định tác dụng dược lý của sâm. Ngoài ra, Sâm Ngọc Linh còn có 17 axitamin, 20 khoáng chất vi lượng, 0,1% tinh dầu. Thân cây, lá, củ đều có dinh dưỡng và sử dụng tốt cho sức khỏe con người.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Nguyễn Thượng Dong và CS (2007) cho biết: Từ phần dưới mặt đất của cây sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 hợp chất saponin bao gồm 26 saponin đã biết và 26 saponin có cấu trúc mới. Các saponin được xem hoạt chất quyết định cho các tác dụng dược tính, sinh học của sâm Ngọc Linh như: ngăn ngừa các tế bào ung thư, bảo vệ gan, kích thích hệ miễn dịch,…[6]

2.2. Đặc điểm sinh học của sâm Ngọc Linh:

            Cây nảy mầm từ hạt, trong 2 năm đầu (cây 1 – 2 tuổi) chỉ có 1 lá kép mang 5 lá chét, sang năm thứ 3 cây bắt đầu có 2 lá kép, năm thứ 4 cây có 3 lá kép, sang năm thứ 5 thì cây trưởng thành. Thông thường ở cây trưởng thành có từ 3 – 5 lá kép.

            ……

Cây tàn lụi vào tháng 10 – 12 hàng năm, toàn bộ phần thân lá trên mặt đất tàn lụi để lại vết sẹo trên thân củ và mầm mới sẽ mọc lại vào tháng 1 – 3 năm sau. Đối với cây từ 3 – 4 tuổi trở lên, sau 1 – 2 tháng lá non đã gần đạt đến độ trưởng thành và bắt đầu phân hóa mầm hoa ở đỉnh ngọn. Cây bắt đầu nở hoa vào khoảng tháng 4 – 5 hàng năm. Trong điều kiện mưa sớm và mưa nhiều thì hoa có thể nở sớm hơn vào khoảng cuối tháng 3. Mỗi thân thường có 1 hoa. Trong quá trình ra hoa phần thân tiếp tục phát triển để đạt được kích thước trưởng thành.

Giai đoạn quả xanh kéo dài 3 – 4 tháng, đến cuối tháng 7 đầu tháng 8 là thời kỳ quả chín. Quả chín rộ vào khoảng cuối tháng 8, đôi khi quả chín muộn đến tháng 10. Sau khi quả chín thì cây bắt đầu tàn lụi. Tỷ lệ tàn lụi phụ thuộc vào tuổi cây. Cây 2 – 4 tuổi tỷ lệ tàn lụi từ 70 – 90%, tỷ lệ này giảm xuống đối với cây từ 5 tuổi trở lên (khoảng 50 – 60%) (Lê Thanh Sơn, 2007).

2.3. Phân bổ của sâm Ngọc Linh:

Sâm Ngọc Linh phân bố trên vùng sinh thái hẹp, xung quanh đỉnh núi Ngọc Linh, dưới các tán rừng nguyên sinh thuộc địa phận 9 xã của 3 huyện là Trà My của Quảng Nam, Đắk Glei và Tu Mơ Rông của Kon Tum. Vùng sinh trưởng và phát triển của sâm Ngọc Linh nằm hoàn toàn trên dãy núi Ngọc Linh, có tọa độ địa lý trong khoảng từ 14o44’ đến 15o13’ vĩ độ Bắc và từ 107o45’ đến 108o10’ kinh độ Đông, đây cũng là giới hạn xa nhất về phía Nam (trong khoảng 15o vĩ độ Bắc) của bản đồ phân bố chi Panax L. trên thế giới (Viện Dược liệu, 2005). Đến nay, sâm Ngọc Linh được xem là loài sâm duy nhất trên thế giới còn tồn tại ở khu vực khí hậu nhiệt đới. Đây chính là một điểm đặc biệt tạo ra đặc trưng riêng của sâm Ngọc Linh (Nguyễn Thượng Dong và cs., 2007).

2.4. Đặc điểm tự nhiên của vùng trồng sâm Ngọc Linh:

Trong tự nhiên, sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu hẹp, phân bố trong vùng xuất xứ núi Ngọc Linh. Có thể gây trồng ra những vùng có điều kiện thích hợp tương tự các điều kiện đặc trưng của vùng xuất xứ:

  1. Đặc điểm về địa hình:

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, những điểm có sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên đều ở độ cao từ 1.500 - 2.200 m (tập trung chủ yếu ở độ cao 1.800 - 2.000m) (Viện Dược liệu, 2005; Viện Thổ nhưỡng nông hóa, 2009).

Theo Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sâm ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam[7] đã mô tả: Độ cao so với mực nước biển từ 1500m trở lên, thuận lợi ở độ cao từ 1800m trở lên; Đất có đủ ẩm, giàu dinh dưỡng, lượng mùn hữu cơ trong đất cao, còn giữ cấu trúc rừng nguyên sinh và có độ tàn che từ 0,7-0,9.

  1. Đặc điểm về khí hậu:

Theo Viện Thổ nhưỡng nông hóa, 2009 công bố: Ngọc Linh là dãy núi cao nhất miền Trung Việt Nam. Điều kiện khí hậu của vùng này có những đặc điểm khác biệt rất lớn so với các vùng xung quanh như: lượng mưa lớn, độ ẩm cao, lượng bốc hơi thấp, nhiệt độ thấp....

Theo Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sâm ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam[8] đã chỉ rõ về khí hậu bao gồm: Nhiệt độ thích hợp trung bình trong năm giao động từ 14,0-18,0 độ C(thấp nhất 8-11 độ, cao nhất từ 20-25 độ); Độ ẩm trung bình từ 85-90%; Lượng mưa trung bình từ 2800-3400 mm/năm và có lượng mưa khá trong các tháng mùa khô (từ tháng 3-7).

  1. Đặc điểm về thổ nhưỡng:

Vùng trồng sâm Ngọc Linh có pHH2O thấp (3,8 – 4,4), hàm lượng mùn cao, hầu hết được tạo thành do lá cây mục lâu ngày nên có màu nâu đen, tơi xốp. Theo hệ phân loại Việt Nam, đây là đất mùn vàng đỏ trên núi cao, còn theo phân loại của FAO-UNESCO-WRB thì đây là đất xám giàu mùn (Humic Acrisols). Đây là loại đất có tính chất vật lý và hóa học đặc trưng phù hợp với yêu cầu và đặc tính sinh thái của cây sâm Ngọc Linh, đặc biệt là hàm lượng hữu cơ cao (11,02 - 14,08% OM, tương ứng 6,39 - 8,16% OC), tầng thảm mục dày (từ 18 – 20cm). Hàm lượng đạm tổng số tầng mặt rất giàu (0,33 - 0,50% N). Đất nghèo lân dễ tiêu trong khi kali dễ tiêu đạt mức trung bình đến khá (Viện Thổ nhưỡng nông hóa, 2009).

  1. Đặc điểm về hệ thực vật:

Sâm Ngọc Linh là loại cây thân thảo ưa ẩm và ưa bóng, thường phân bố
rải rác hoặc tập trung thành từng đám nhỏ dưới tán rừng kín thường xanh lá
rộng, đôi khi xen cả cây lá kim, độ tàn che 80% hoặc hơn (Lê Thanh Sơn và
Nguyễn Tập, 2006).

Năm 1987, Trung tâm Sâm thành phố Hồ Chí Minh khi tiến hành điều tra hệ thực vật trên vùng núi Ngọc Linh, nơi có sâm Ngọc Linh phân bố đã phân chia hệ thực vật ở đây thành 3 sinh tầng:

  • Sinh tầng đại mộc: Gồm 22 họ, trong đó các cây thuộc họ dẻ (Fagaceae) chiếm ưu thế về số loài và số cá thể. Phần lớn các loài này là thành phần quan trọng trong sinh tầng đại mộc. Ngoài ra còn có các loài tùng, bách phân bố rải rác như Pinus khasiana, Cephalotaxus sp….
  • Sinh tầng trung mộc và cây bụi: Gồm 20 họ, trong đó họ nhân sâm khá đa dạng về số loài. Ngoài ra, họ dương xỉ cũng là thành phần ưu thế của sinh tầng cây bụi gồm các loài dạng mộc như Cibotium, Cyathea, ….
  • Sinh tầng cỏ: Thành phần trên mặt đất rất phong phú bao gồm các loài cây của 29 họ thực vật, trong đó sâm Ngọc Linh là loài quan trọng được tìm thấy ở sinh tầng này. Ngoài ra còn có 13 loài chưa từng được mô tả trong bộ Thực vật chí Đông Dương, 14 loài mới và 27 loài được ghi nhận thêm địa điểm phân bố mới.

Theo Nguyễn Thượng Dong và cs., 2007: Với sự đa dạng về thành phần thực vật đã phát hiện cho thấy vùng núi Ngọc Linh có thể là điểm hội tụ của nhiều luồng di trú khác nhau từ phía bắc, Himalaya và từ phía nam. Ngoài ra đây cũng là vùng mà họ nhân sâm phát triển mạnh với số loài và số cá thể phong phú”

Theo Lê Thanh Sơn và Nguyễn Tập, 2006: Hệ thực vật ở vùng núi Ngọc Linh là sự phân bố hoàn hảo của các họ thực vật cho cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển. Nhờ có tán rừng mà cây sâm Ngọc Linh được bảo vệ khỏi mưa, bão, ánh sáng trực xạ, .… Ngoài ra lá cây rừng cũng là nguồn cung cấp mùn cho cây sâm sinh trưởng.

2.5. Công dụng của sâm Ngọc Linh:

SVN  thường được sử dụng phối hợp với các vị thuốc bổ khí hoặc bổ huyết khác trong một thang thuốc hay một dạng bào chế. Thân rễ và rễ củ của SVN được dùng làm thuốc bổ toàn thân, tăng lực, chữa suy nhược, mệt mỏi, chống xơ vữa động mạch, giải độc và bảo vệ gan, lại có thể dùng làm thuốc trị viêm họng và hen phế quản mạn tính, điều hoà thần kinh trung ương, điều hoà tim mạch, giảm đường huyết.

2.6. Thành phần hóa học của sâm Ngọc Linh:

Hệ thực vật ở vùng núi Ngọc Linh là sự phân bố hoàn hảo của các họ thực vật cho cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển. Nhờ có tán rừng mà cây sâm Ngọc Linh được bảo vệ khỏi mưa

Sâm Việt Nam đã được phát hiện và tập trung nghiên cứu ở nước ta ngay từ những năm cuối thế kỷ XX. Từ 1974 đến 1990, Nguyễn Thời Nhâm và cộng sự đã nghiên cứu về thành phần hợp chất saponin trong SVN hoang dại, khởi đầu cho những nghiên cứu toàn diện và sâu hơn các thành phần hóa học có trong SVN. Tính đến nay đã có 52 hợp chất saponin đã được phân lập và xác định cấu trúc. Các hợp chất này chủ yếu được phân lập từ rễ và thân rễ của SVN. Ngoài saponin, trong SVN các tác giả cũng xác định được các polyacetylen, acid béo, acid amin, glucid, tinh dầu và một số yếu tố vi lượng.

Thành phần nhóm chất saponin triterpen có hàm lượng cao nhất (12-15%) và có số lượng saponin nhiều hơn so với các loài Panax khác đã được nghiên cứu trên thế giới như nhân sâm Triều Tiên, sâm Nhật Bản, sâm Mỹ và tam thất. Trong đó saponin kiểu ocotillo với hàm lượng khá cao là một điểm khác biệt khá lý thú so với các loài sâm khác.

2.6.1 Thành phần hóa học:

Tùy vào từng nghiên cứu ở từng sản phẩm cụ thể mà thành phần hóa học sẽ khác nhau. Tuy nhiên theo nghiên cứu của Nguyễn Thới Nhâm (1976) cho rằng: Thành phần hợp chất saponin trong SVN hoang dại, khởi đầu cho những nghiên cứu toàn diện và sâu hơn về các thành phần hóa học có trong Sâm Việt Nam. Trên cơ sở đó, những thành phần hóa học cơ bản và có tính chung nhất trong phần trên và dưới mặt đất được trình bày như sau:

Bảng 2.3 Thành phần hóa học chung trong Sâm Việt Nam

Thành phần khảo sát

Bộ phận dùng

Phần dưới mặt đất (Thân rễ và rễ củ) (%)

Phần trên mặt đất

(Lá và cọng thân) (%)

Độ ẩm

7,81

9,27

Độ tro toàn phần

7,80

8,45

Độ tro sulfat

8,13

-

Độ tro không tan trong HCl

1,73

0,46

Nitơ tổng

Protid thô

0,87

5,41

-

Acid amin tự do

18 chất (1,19%)

-

Lipid

5,68

-

Acid béo

0,53 (14 chất)

-

Đường tự do

6,19

-

Đường

26,77

-

Tinh bột

2,64

-

Tinh dầu

0,05-0,1

-

Vitamin C

0,059

-

Hợp chất steroid

-       β-sitosterol

-       daucosterin (β-sitosteryl-3-0-β-D-glucopyranosid)

 

 

-

-

Hàm lượng chất tan trongMeOH (%)

39,96

15,44

Saponin toàn phần (pp cân)

15,75

9,0-12,66

(Nguồn: Sách chuyên khảo: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm-Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật)

 

2.6.2 Các hợp chất Saponin:

Saponin là thành phần hoạt chất chủ yếu của SVN cũng như của các loài sâm khác trên thế giới. Phần dưới mặt đất của SVN đã phân lập và xác định được cấu trúc protopanaxadiol oxid II và 52 hợp chất saponin bao gồm 26 saponin đã biết và 26 saponin có cấu trúc mới được đặt tên là vina - ginsenosidR1-R25 và 20-O-Me-G.Rh1.

Các saponin dammaran là hoạt chất quyết định cho các tác dụng sinh học, chiếm tỉ lệ rất cao về hàm lượng và số lượng trong thành phần saponin của SVN. Trong đó, các saponin dẫn chất của 20(S)-protopanaxadiol gồm 22 hợp chất với đại diện chính là G-Rb1 chiếm 2,0% về hàm lượng.

Bảng 2.4 Các saponin dẫn chất của 20(S)-protopanaxadiol

STT

Tên

Kiểu

R1

R2

Hàm lượng (%)

Các saponin dẫn chất của 20(S)-protopanaxadiol

Ghi chú: G= ginsenoside, PG = pseudo – ginsenoside, GY = gypenoside, Q = quinquenoside, N = notoginsenoside, M = majonoside, VG = vina – ginsenoside. *: các saponin chính

1

G-Rb1*

(A)

-Glc2 -Glc

-Glc6 -Glc

2,0

2

G-Rb2

(A)

-Glc2 -Glc

-Glc6 -Ara(p)

0,012

3

G-Rb3*

(A)

-Glc2 -Glc

- Glc6 – Xyl

0,11

4

G-Rc

(A)

-Glc2 -Glc

- Glc6 – Ara(f)

0,013

5

G-Rd*

(A)

-Glc2 -Glc

-Glc

0,87

6

PG-RC1

(A)

-Glc2 -Glc6 - Ac

-Glc

0,001

7

GY-IX

(A)

-Glc

- Glc6 – Xyl

0,002

8

GY-XVII

(A)

-Glc

-Glc6 -Glc

0,036

9

Q-R1

(A)

-Glc2 -Glc6 - Ac

-Glc6 -Glc

0,012

10

Q-R1

(A)

-Glc2 -Glc2 – Xyl

-Glc6 -Glc

0,072

11

M-F1

(B)

-Glc2 -Glc

-Glc

0,001

12

VG-R3

(H)

-Glc2 -Glc

-Glc

0,009

13

VG-R7

(A)

-Glc2 -Glc2 - Xyl

-Glc

0,01

14

VG-R8

(C)

-Glc2 -Glc

-Glc

0,004

15

VG-R9

(B)

-Glc2 -Glc

-Glc

0,004

16

VG-R13

(E)

-Glc2 -Glc

-Glc

0,002

17

VG-R24

(A)

-Glc2 - Xyl

-Glc

0,001

18

VG-R23

(A)

-Glc2 -Glc

-Ara

0,001

19

VG-R22

(A)

-Glc2 -Glc

-Xyl

0,001

20

VG-R16

(D)

-Glc2 -Glc

-Glc

0,003

21

VG-R21

(G)

-Glc2 -Glc

-Glc

0,001

22

VG-R20

(F)

-Glc2 -Glc

-Glc

0,003

Các saponin dẫn chất của 20(S)-protopanaxadiol

 

Cấu trúc hóa học của ginsenosid-Rb1

 

(Nguồn: Sách chuyên khảo: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm-Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật)

 

Bảng 2.5 Các saponin dẫn chất của 20(S)-protopanaxatriol

STT

Tên

Kiểu

R1

R2

R3

Hiệu suất (%)

Các saponin dẫn chất của 20(S)-protopanaxatriol

Ghi chú: *: các saponin chính trong thành phần saponin dẫn chất protppanaxatriol. Glc: , α- Glc: α- flucopyranosyl, GlcA: β- D – glucoronopyranosyl, Rha: α – L – rhamnopyranosyl, Xyl:  – D – xylopyranosyl, Ara: α- L – arabinofuranosyl, Ara (p): α- L – arrabinopyranosyl, Ac: acetyl

23

G-Re*

(I)

-H

-Glc2 -Rha

-Glc

0,17

24

20-glc-G-Rf

(I)

-H

-Glc2 -Glc

-Glc

0,01

25

G-Rg1*

(I)

-H

-Glc

-Glc

1,37

26

G-Rh1

(I)

-H

-Glc

-H

0,008

27

G-Rh1

(I)

-H

-Glc

-H

0,021

28

PG-RS1

(I)

-H

-Glc2 -Glc6 - 6Ac

-Glc

0,013

29

N-R1*

(I)

-H

-Glc2 - Xyl

-Glc

0,36

30

N-R6

(I)

-H

-Glc

-Glc6 -aGlc

0,01

31

VG-R4

(I)

-Glc2 - Glc

-H

-Glc

0,004

32

VG-R12

(K)

-H

-Glc

-H

0,005

33

VG-R15

(J)

-H

-Glc

-Glc

0,003

34

VG-R17

(K)

-H

-Glc

-Glc

0,002

35

VG-R18

(K)

-H

-Glc

-Glc

0,002

36

VG-R19

(L)

-Glc2 - Glc

-H

-Glc

0,006

37

OMe-GRh1

(I)

-H

-Glc

-CH3

0,015

38

VG-R25

(G)

-H

-Glc

-Glc

0,003

39

G-Rh4

(M)

-H

-Glc

-H

0,014

 

Các saponin dẫn chất của 20(S) – protopanatriol

 

 

               

(Nguồn: Sách chuyên khảo: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm-Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật)

Bảng 2.6 Các saponin có cấu trúc Ocotillol

Các saponin có cấu trúc Ocotillol bao gồm 11 hợp chất với các đại diện là:  majonosid-R1 và -R2. Đặc biệt M-R2 chiếm 5,29% hàm lượng saponin và là hợp chất chủ yếu trong sâm Việt Nam so với các thành phần saponin trong các loài sâm khác trên thế giới và gấp 48 lần hiệu suất chiết được từ Panax japonicum C.A.Mey.var.major (Burk) C.Y.Wu et K.M.Feng.

Ghi chú: *: các saponin chính trong thành phần có cấu trúc ocotillol H = hemsloside

40

PG-RT4

(N)

-Glc

-CH3

0,065

41

24(S)-PG-F11

(N)

-Glc2 -Rha

-CH3

0,005

42

M-R1*

(N)

-Glc- Glc

-CH3

0,14

43

M-R2*

(N)

-Glc2 -Xyl

-CH3

5,29

44

VG-R1

(N)

-Glc2 -Rha – 6Ac

-CH3

0,033

45

VG-R2

(N)

-Glc2 -Xyl – 6Ac

-CH3

0,014

46

VG-R5

(N)

-Glc2 -Xyl4 – aGlc

-CH3

0,008

47

VG-R6

(N)

-Glc2 -Xyl – 6Ac

-CH3

0,006

48

VG-R14

(N)

-Glc2 -Xyl

-CH2OH

0,02

49

VG-R10

(O)

-Glc

-CH3

0,007

50

VG-R1

(O)

-Glc2 -Xyl

-CH3

0,03

 

Cấu trúc hóa học của majonosid-R2

 

 

(Nguồn: Sách chuyên khảo: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm-Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật)

Bảng 2.7 Các saponin dẫn chất của acid oleanolic

Các saponin dẫn chất của acid oleanolic

51

G-R0

(P)

-Glc2 – Glc

-Glc

0,038

52

H-Ma3

(P)

-Glc2 – Glc – 3Ara (p)

-Glc

0,05

(Nguồn: Sách chuyên khảo: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm-Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật)

            Từ phần trên mặt đất của SVN đã phân lập được 19 saponin damaran bao gồm 11 saponin đã biết và 8 saponin có cấu trúc mới, được đặt tên là vinaginsenosid-L1-L8 [1, 5, 16, 18]. Khác với thành phần saponin từ phần dưới mặt đất của SVN , các saponin dẫn chất của 20S - protopanaxadiol chiếm tỷ lệ rất cao trong thành phần saponin phần trên mặt đất với đại diện chính là notoginsenosid-Fc, G-Rb3, N-Fe và VG-L2. Các saponin có cấu trúc cotillol chiếm tỷ lệ thấp với đại diện chính là VG-R1.

2.6.3 Hợp chất polyacetylen:

            Từ phần dưới mặt đất của SVN đã phân lập được 7 hợp chất ở phân đoạn ít phân cực. 5 hợp chất đã được xác định cấu trúc với panaxynol và heptadeca1,8(E)-dien-4,6-diyn-3,10-diol là 2 polyacetylen và hai hợp chất mới là 10- acetoxy-heptadeca-8(E)-en-4,6-diyn-3-ol và heptadeca-1,8(E), 10(E)-trien4,6-diyn-3,10-diol.

2.6.4 Thành phần acid béo:

Trong SVN đã xác định được 17 acid béo từ 8 - 20 cacbon, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là acid linoleic (40,04%); acid palmitic (29,62%); acid oleic (13,26%); acid stearic (4,48%) và acid linolenic (2,61%)...

Bảng 2.8. Thành phần acid béo phần dưới mặt đất sâm Việt Nam

STT

Số cacbon của hợp chất

%

Tên của acid béo

1

8C

-

Acid caprylic

2

10C

-

Acid capric

3

11C

-

 

4

12C

0,22

Acid lauric

5

13C

0,31

 

6

14C

1,33

Acid myristic

7

15C

0,40

Acid pentadecausic

8

15C-1

0,31

 

9

16C

29,62

Acid palmitic

10

16C-1

-

Acid palmitoleic

11

17C

1,13

Acid heptadecausic

12

17C-1

-

 

13

18C

4,48

Acid stearic

14

18C-1

13,26

Acid oleic

15

18C-2

40,04

Acid linoleic

16

18C-3

2,61

Acid linolenic

17

20C

1,51

Acid arachidic

(Nguồn: Sách chuyên khảo: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm-Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật)

2.6.5 So sánh thành phần hợp chất saponin của Sâm Việt Nam với các loài sâm khác:

            Hợp chất saponin được xem là thành phần hoạt chất chủ yếu của cây Sâm Việt nam cũng như của các loài sâm khác trên thế giới. Từ phần dưới mặt đất của Sâm Việt Nam hoang dại đã phân lập và xác định được cấu trúc protopanaxatriol oxy II và 52 hợp chất saponin bao gồm 26 saponin đã biết và 26 saponin có cấu trúc mới được đặt tên là vina-ginsenosid-R1-R25 và 20-O-Me-G.Rh1. Các saponin dammaran được xem là hoạt chất quyết định cho các tác dụng sinh học có giá trị của sâm Triều Tiên. Nó cũng chiếm một tỷ lệ rất cao về hàm lượng và số lượng trong thành phần hợp chất saponin của sâm Việt Nam (50/52 saponin được phân lập). Trong đó các saponin dẫn chất của 20 (S)-protopanaxadiol gồm 22 hợp chất với các đại diện chính là: ginsenosid-Rb1, -Rb3, -Rd. Các saponin dẫn chất của 20(S)-protopanaxatriol gồm 17 hợp chất với các đại diện chính là: ginsenosid-Re, -Rg1, notoginsenosid -R1. Các saponin có cấu trúc occotillol gồm 11 hợp chất với các đại diện chính là: majonosid -R1 và -R2. Đặc biệt M-R2 chiếm gần 50% hàm lượng saponin toàn phần từ phần dưới mặt đất của sâm Việt Nam và trở thành 1 hợp chất chủ yếu của SVN so với thành phần saponin trong các loài sâm khác trên thế giới và gấp 48 lần hiệu suất chiết được từ Panax japonicus C.A. Mey. Var. major (Burk) C.Y.Wu et K.M.Feng.

Bảng 2.9. So sánh thành phần saponin (%)của sâm Việt Nam và các loài sâm trồng khác

 

Nhân sâm

Tam thất

Sâm Mỹ

Sâm Việt Nam

20(S)-ppd

2,9

1,99

2,67

3,17

20(S)-ppt

0,6

2,88

1,05

1,96

Ocytyllol

-

-

0,04

5,6

Acid oleanolic

0,02

-

0,07

0,09

Hiệu suất (%)

3,5

4,9

3,8

10,8

(Nguồn: Sách chuyên khảo: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm-Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật)

 

Bảng 2.10. Hàm lượng 1 số saponin chính trong sâm Việt Nam

Nguyên liệu

Hàm lượng saponin chính (%)

G-Rb1

G-Rd

G-Rg1

M-R2

Tổng cộng

Đầu mầm

0,943

0,898

1,359

2,859

6,059

Sâm 2 tuổi

0,797

0,426

1,235

1,868

4,326

Sâm 3 tuổi

0,846

0,678

1,419

2,409

5,352

Rễ củ 4 tuổi

0,818

0,396

1,696

3,141

6,051

Rễ củ 5 tuổi

1,721

0,518

2,219

3,816

8,674

Rễ củ 6 tuổi

1,824

0,632

2,852

4,166

9,474

Thân rễ 4 tuổi

1,518

1,778

2,432

2,946

8,674

Thân rễ 5 tuổi

1,565

0,981

1,652

4,276

8,494

Thân rễ 6 tuổi

2,716

0,840

3,648

5,342

12,546

(Nguồn: Sách chuyên khảo: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm-Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật)

Nhận xét:

Một là: Hàm lượng các saponin chính tổng cộng trong sâm Việt Nam tăng theo tuổi.

Hai là: Hàm lượng các saponin chính tôgnr cộng trong thân rễ cao hơn trong rễ củ cùng năm tuổi

2.6.6 Thành phần acid amin:

            Bằng phương pháp sắc ký lỏng trên máy Beckman multichrom đã xác định được 18 acid amin. Thành phần này bao gồm đủ 8 acid amin cần thiết cho cơ thể, một số acid amin có tỷ lệ rất cao như arginin 46,66%, lysin 17,90% và trytophan 10,20% đã được xác định có tính chống lão hoá tế bào.

Bảng 2.11. Thành phần acid amin ở phần dưới mặt đất sâm Việt Nam [1,5]

STT

Acid amin

Acid amin (%)

Acid amin thủy giải (%)

1

Tryptophan

10,20

-

2

Lysin

17,90

5,29

3

Histidin

1,02

2,59

4

Arginin

46,66

12,90

5

Acid Aspartic

7,60

10,38

6

Threonin

1,20

5,19

7

Serin

5,12

5,19

8

Acid Glutamic

2,05

6,49

9

Prolin

3,07

15,58

10

Glycin

4,10

5,19

11

Alanin

-

5,19

12

Cystin

1,53

-

13

Valin

0,51

1,29

14

Methionin

0,51

-

15

Isoleucin

1,02

2,59

16

leucin

1,02

5,19

17

Tyrosin

0,51

6,49

18

Phenylanin

0,51

6,49

(Nguồn: Sách chuyên khảo: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm-Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật)

2.2.6.7 Thành phần các nguyên tố vi đa và vi lượng:

            Phương pháp kích hoạt neutron và huỳnh quang tia X đã xác định được 20 nguyên tố đa và vi lượng của phần dưới mặt đất SVN. Trong đó bao gồm một số nguyên tố có tác dụng sinh học như K, Na, Mg, Mn, Cu, Fe, Co, Zn, Se:

Bảng 2.12. Thành phần các nguyên tố đa và vi lượng ở phần dưới mặt đất sâm Việt Nam

STT

Nguyên tố vi lượng

Hàm lượng (ppm)

STT

Nguyên tố vi lượng

Hàm lượng (ppm)

1

K

9349,19

11

Br

17,27

2

Ca

2844,74

12

Ni

10,61

3

Mg

1950,19

13

Cu

6,23

4

Fe

491,21

14

Cr

4,10

5

Sr

169,87

15

Y

1,51

6

Ti

120,65

16

I

0,24

7

B

140,00

17

Co

0,15

8

Rb

91,62

18

As

0,10

9

Mn

68,10

19

Se

0,05

10

Zn

26,11

20

Hg

0,04

(Nguồn: Sách chuyên khảo: Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm-Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật)

2.6.8 Hợp chất sterol:

            Hợp chất sterol: β-sitosterol và daucosterin (β-sitosteryl-3-O-β-D-glucopyranosid[1].

2.6.9 Hợp chất gluxit::

            (định lượng theo phương pháp Bertran).

            - Đường tự do: 6,19%

- Đường toàn phần: 26,77% [1]

2.6.10 Các thành phần khác:

- Tinh dầu: 0,05-0,10%

- Vitamin C: 0,059%[1]

2.7. Tác dụng của sâm Ngọc Linh:

  1. Tính vị, công năng:

Tính vị:                SVN có vị đắng, hơi ngọt, mùi thơm nhẹ.

Công năng:          Đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân dịch, làm khỏe tinh thần, trí não minh mẫn. Bổ phế bình suyễn: dùng đối với bệnh ho do phế hư như ho lao, viêm phế quản mạn tính. Kiện tỳ, sinh tân dịch, chỉ khát. Ngoài ra còn dùng trong các bệnh huyết áp thấp, cơ thể mệt mỏi. (Nguồn tham khảo: Bộ Y tế (2006), Dược liệu học Tập 1, NXB Y Học, tr 251-256)

  1. Tác dụng dược lý:

Rễ và thân rễ của SVN được coi là bộ phận chính được sử dụng cho mục đích y học trong khi các bộ phận thân lá chỉ được sử dụng làm trà thảo mộc ((Nguồn tham khảo: Le THV, Lee GJ, Vu HKL, K won SW, Nguyen MK, Park JH, Nguyen MD,2015. Gingseng saponins in different parts of Panax vietnamensis. Chem. Pharm. Bull. 63, 950-954)

+ Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương: SVN liều thấp có tác dụng kích thích thần kinh, làm tăng hoạt động vận động và trí nhớ, nhưng liều cao lại ức chế thần kinh (Nguồn tham khảo: Đỗ Huy Bích, 2006, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập 2, NXB Khoa học kỹ thuật, tr. 704-710)..

+ Tác dụng chống trầm cảm: SVN có tác dụng chống trầm cảm ở liều uống một lần 200 mg/kg hoặc liều 50-100 mg/kg dùng luôn 7 ngày ở chuột nhắt trắng, M-R2 tiêm trong màng bụng có tác dụng chống trầm cảm ở cả 3 liều: 3,1; 6,2 và 12,5 mg/kg (Nguồn tham khảo: Đỗ Huy Bích, 2006, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập 2, NXB Khoa học kỹ thuật, tr. 704-710).

+ Tác dụng tăng sinh lực: SVN có tác dụng tăng lực trong thí nghiệm chuột bơi, làm tăng sinh lực chống lại sực mệt mỏi, giúp phục hồi sức lực (Nguồn tham khảo: Đỗ Huy Bích, 2006, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Tập 2, NXB Khoa học kỹ thuật, tr. 704-710).

+ Tác dụng sinh thích ứng. + Trong stress vật lý, cho chuột nhắt trắng uống SVN liều 100 mg/kg có tác dụng làm tăng khả năng chịu đựng đối với nước nóng (37 - 42 ⁰C) và lạnh (- 5 ⁰C) làm kéo dài thời gian sống thêm của chuột thí nghiệm. + Trong stress cô lập, chuột nhắt trắng được nuôi riêng từng con trong 4 tuấn, thời gian ngủ khi tiêm natri barbital giảm đi 30%. SVN liều uống 50-100 mg/kg hoặc hoạt chất tiêm trong màng bụng liều 3,1 - 12,5 mg/kg làm thời gian ngủ trở lại gần bình thường. Theo nghiên cứu của Yamasaki Kazuo, ở những con chuột bị căng thẳng về tâm lý, thành phần saponin M-R2 của SVN làm giảm đáng kể các rối loạn liên quan đến căng thẳng.

+ Tác dụng chống oxy hóa: Trên thí nghiệm in vitro dùng dịch nổi của mô não, gan và phân đoạn vi thể gan của chuột nhắt trắng, saponin SVN ở nồng độ 0,05 - 0,5 mg/kg có tác dụng chống oxy hóa, ức chế sự hình thành MDA (malonyl chaldehyd) là sản phẩm của quá trình oxy hóa lipid màng sinh học. Trong một nghiên cứu, MR2 chiết xuất từ SVN cho thấy tác dụng bảo vệ tế bào H9C2 chống lại tình trạng thiếu oxy/tổn thương tái oxy hóa thông qua điều chỉnh chức năng ty thể.

+ Tác dụng kích thích miễn dịch: + Bột chiết SVN liều uống 500 mg/kg và M-R2 tiêm trong màng bụng có tác dụng làm tăng chỉ số thực bào trong thí nghiệm in vitro và in vivo ở chuột nhắt trắng. + Dùng liều Escherichia coli gây chết chuột nhắt trắng. Nếu kết hợp dùng sâm và M-R2 với liều trên sẽ làm tăng tỷ lệ số chuột sống sót. Có lẽ do thuốc làm tăng tác dụng thực bào với Escherichia Coli.

+Tác dụng phục hồi máu: Trong thí nghiệm làm giảm hồng cầu và bạch cầu ở động vật thí nghiệm, SVN có tác dụng làm phục hồi số lượng hồng cầu và bạch cầu đã bị giảm.

+ Các tác dụng dược lý khác: SVN còn có tác dụng tăng cường nội tiết tố sinh dục, điều hòa hoạt động của tim, tác dụng chống tăng cholesterol máu, tác dụng bảo vệ gan do các yếu tố gây độc với gan, có tác dụng chống viêm và ức chế sự phát triển vi khuẩn Streptococcus gây bệnh viêm họng ở người. Từ một nghiên cứu về tác dụng bảo vệ gan của M-R2, phát hiện được rằng M-R2 có thể đã bảo vệ tế bào gan khỏi sự chết tế bào theo chương trình thông qua sự ức chế sản xuất TNF-α bởi các đại thực bào được hoạt hóa và ức chế trực tiếp sự chết tế bào do TNF-α gây ra.

*Tác dụng dược lý chống ung thư được nghiên cứu nhiều nhất của SVN là cả tác dụng phòng ngừa ung thư và hóa trị liệu ung thư tương quan với các ginsenosides ocotillol. Theo báo cáo của Yamasaki, chiết xuất của SVN thô và các thành phần saponin chính của nó (M-R2, G-Rb1, G-Re, G-Rg1…) đã cho thấy tác dụng ức chế sự hoạt hóa kháng nguyên của virus Epstein-Barr (EBVEA) gây ra bởi độc tố gây ung thư 12-O-tetradecanoylphorbol-13-acetate (TPA) và fumonisin B1 mà không có độc tính trên tế bào bình thường.

Ngoài ra, Panaxynol là thành phần chính của tinh dầu được phân lập từ SVN được cho là có lợi cho việc ngăn ngừa tổn thương thận do thuốc chống ung thư Cisplatin gây ra trên cả in vitro và in vivo [15]. Gần đây một số hợp chất được phân lập từ Panax vietnamensis còn được phát hiện là có hiệu quả trong việc chống lại các phản ứng viêm.

2.7. Phân biệt thật giả sâm Ngọc Linh:

*So sánh sâm Ngọc Linh với củ Tam Thất:

STT

Tiêu chí nhận biết

Sâm Ngọc Linh

Củ Tam Thất

1

Hình dáng

Sâm Ngọc Linh có vỏ ngoài xù xì, hình dáng thô

Củ tam thất vỏ ngoài trơn láng hơn

2

Đốt mắt

Sâm Ngọc Linh có đốt mắt không thẳng hàng mà so le, mắt lõm vào trong, củ sâm ít mắt vì mỗi năm chỉ có một mắt sau khi cây sâm được 2 tuổi

Đốt mắt củ Tam thất nhiều, thẳng đều một phía

3

Mùi vị

Sâm Ngọc Linh có mùi vị đặc trưng, mùi thơm rõ ràng như khi bẻ củ gừng củ nghệ tươi thấy ngay mùi

Củ Tam thất không có mùi rõ ràng như vậy

4

Màu sắc

Sắt lát củ sâm Ngọc Linh tươi ra thấy lõi màu vàng

Lõi củ tam thất màu trắng khác biệt so với viền bên ngoài

5

Nếm thử

Vị sâm Ngọc Linh nhai đắng dịu sau đó ngọt thanh dần hậu vị nơi cuống họng

Vị củ Tam thất đắng gắt, vị đắng bám dai ở cuống họng chứ không ngọt dịu hậu vị

6

Thành phần hoạt chất

Trong thành phần sâm Ngọc Linh thật, các hoạt chất GR2, G–RB1, G–Rg1 có đầy đủ, đặc biệt là 52 hợp chất Saponin, axit béo, axit amin, nguyên tố đa lượng, và vi lượng

Sâm Ngọc Linh giả cũng có những thành phần như GR2, G–RB1, G–Rg1 nhưng tỉ lệ rất ít.

7

Giá thành

Sâm Ngọc Linh có giá thành cao hơn nhiều so với tam thất

7

Hình ảnh

   

Nguồn: nhận biết của ông Trinh Minh Quý - Giám đốc trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, Quảng Nam

*So sánh sâm Ngọc Linh rừng với sâm Ngọc Linh trồng:

STT

Tiêu chí nhận biết

Sâm Ngọc Linh rừng

Sâm Ngọc Linh trồng

1

Hình dáng

- Chỉ có từ 3-5 nhánh lá, thỉnh thoảng mới có 6 nhánh lá

- Thân dài, nhỏ

- Thông thường ít rễ con

- Hình dáng đa dạng

- Thân mập, ngắn

- Nhiều rễ con, đều

2

Rễ củ (củ)

Không phát triển nhiều, hình dáng nhỏ

Rất phát triển, hình dáng to hơn

3

Giá thành

Giá thành sâm rừng cao hơn sâm trồng

4

Hình ảnh

   

 

3. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU & ĐÁNH GIÁ SÂM NGỌC LINH TRƯỚC ĐÂY

Có thể thấy, sâm Ngọc Linh là một loại cây thuốc quý tại tỉnh Quảng Nam nói riêng và của cả dân tộc chúng ta. Việc quy hoạch và phát triển chuyên nghiệp theo từng bước chắc chắn là nguồn cơ sở mang thương hiệu sâm Ngọc Linh nổi tiếng trong nước và toàn cầu.

Việc nghiên cứu tài liệu về sâm Ngọc Linh là một trong những bước tìm hiểu sâu rộng trong việc xây dựng và phát triển. Trên cơ sở đó, tác giả đã liệt kê một số nghiên cứu tiêu biểu, nổi bật mang hàm lượng khoa học và thông tin có căn cứ chính xác:

Tổng hợp các nghiên cứu trước đây:

Bảng 2.13: Tổng quan một số tài liệu nghiên cứu về Sâm Ngọc Linh

STT

Tác giả

Đơn vị

Tên nghiên cứu

Link

1

Chu Đức Hà, Lê Hùng Lĩnh, Nguyễn Văn Kết,Lê Tiến Dũng, Đỗ Mạnh Cường, Hoàng Thanh Tùng, Dương Tấn Nhựt

Viện Di truyền nông nghiệp, VAAS2. TrườngĐại học Đà Lạt.

Công ty DEKALB Việt Nam

Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, VAST

SâM NGỌC LINH: Cây dược liệu quý mang thương hiệu quốc gia

Chu, Đ. H., Lê, H. L., Nguyễn, V. K., Lê, T. D., Hoàng, T. T., & Dương, T. N. (2018). Sâm Ngọc Linh: Cây dược liệu quý mang thương hiệu quốc gia.

2

NGUYEN Minh Duc, Ryoji KxsAI,‘ Kazuhiro OH+ANI,‘ Aiko ITO,‘ NGUYEN Thoi Nham,’ Kazuo YAMASAKI,*" and Osamu TANAKA’

The Scienc’e- ProJuction Centre of Vietnamese Ginseng, Ho Chi Minh City Universit y of Medicine and Pharmac y,‘ 4I Dinh Tien Hoang, District 1, Ho Chi Minh Cit y, Vietnam, Institute of Pharmaceutical Sciences, Hiroshima Universit y School nf Medicine, Kasumi, Minami-ku, Hiroshima 734, Japan, and Suzugamine  Women’s  College,’ Inokuchi  4 Chome 6—18, Nishi-ku, Hiroshima 733, Japan. Received October 4, 1993; accepted November 15, 1993

Saponins from Vietnamese Ginseng, Panax vietnamensis HA et GRUSHV. Collected in Central Vietnam. III

Duc, N. M., Kasai, R., Ohtani, K., Ito, A., Nham, N. T., Yamasaki, K., & Tanaka, O. (1994). Saponins from Vietnamese ginseng, Panax vietnamensis Ha et Grushv. collected in central Vietnam. III. Chemical & pharmaceutical bulletin, 42(3), 634-640.

3

PGS.TS. Nguyễn Thượng Dong, TS. Trần Công Luận, TS. Nguyễn Thị Thu Hương

Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật

Sâm Việt Nam Và Một Số Cây Thuốc Họ Nhân Sâm

Sách chuyên khảo

4

Nguyễn Thị Bình

Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn

Bước Đầu Nghiên Cứu Di Thực Sâm Ngọc Linh Ở Việt Nam

 

5

Lê Thị Hồng Nghĩa, Nguyễn Tố Như

Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum

Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Ý Định Mua Sản Phẩm Sâm Ngọc Linh Của Người Tiêu Dùng Tại Thị Trường Kon Tum

Như, N. T. (2020). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua sản phẩm Sâm Ngọc Linh của người tiêu dùng tại thị trường Kon Tum. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính-Marketing.

6

Đinh Văn Phê, Lê Thị Cẩm Nhung, Chu Đức Hà, Nguyễn Văn Nam, Lê Hùng Lĩnh

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

Viện Di truyền Nông nghiệp

Đại học Tây Nguyên

Tình Hình Phát Triển Cây Giống Sâm Ngọc Linh Tại Tỉnh Quảng Nam Và Kon Tum

 

7

Trần Thị Liên, Nguyễn Bá Hoạt, Nguyễn Hữu Cường

Viện Dược liệu

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Một Số Đặc Điểm Hình Thái Hoa, Quả Và Hạt Của Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis)

 

8

 

 

 

 

 (Nguồn: Tổng hợp tài liệu tham khảo nghiên cứu)

 

[1] Nguyễn Tập (2005) “Các loài thuộc chi Panax L. ở Việt Nam”, Tạp chí Dược liệu, 10(3), tr.1 – 76.

[2] Phạm Thanh Huyền và cs. Tài liệu nhận dạng các loài thuộc chi Panax L. ở Việt Nam, Viện dược liệu (Bộ Y Tế).

[3] Nguyễn Thượng Dong, Trần Công Luận và Nguyễn Thị Thu Hương (2007), Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

[4] Nguyễn Thượng Đông và cs. (2007), Sâm Việt Nam và một số cây thuộc họ nhân sâm, NXB Khoa học và kỹ thuật, tr141

[5] Nghiên cứu xây dựng bảng mô tả tính trạng của cây sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ISSN 2588–1191 Tập 127, Số 3A, 2018, Tr. 19–36; DOI: 10.26459/hueuni-jard.v127i3A.4595.

[6] Nguyễn Thượng Dong, Trần Công Luận & Nguyễn Thị Thu Hương (2007). Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ Nhân sâm. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. 422.

[7] Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, UBND Tỉnh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT.

[8] Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, UBND Tỉnh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận: